Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

tình nồng

"Hôm nay còn biết đường về phủ à?"

Quốc Tử Giám nhiều việc, dạy dỗ giám sinh lại càng không được phép lơ là. Lý Minh Huỳnh bái Lý Tương Hách làm thầy, ngoài tri thức lễ nghĩa, học được nhiều nhất là tận tâm. Vậy nên dăm bữa nửa tháng không về thăm nhà là bình thường, vì dẫu sao cũng cần đi xe ngựa hơn nửa ngày đường.

"Con mua cho thầy u mấy tấm vải đẹp để may quần áo mới."

"Một năm nay cậu Huỳnh chỉ tặng vải cho ông bà, quần áo đã may tặng hết họ hàng rồi mà vẫn còn thừa đầy kia kìa!"

Thằng Vừng chưa thấy hình đã thấy tiếng, cậu Huỳnh gửi nó về phủ trước hai hôm để sắp xếp phòng cho cậu, ấy thế mà nó đã hỏi han hết được chuyện mấy tháng nay cậu không có nhà. Tính ra, nó theo hầu cậu từ hồi sáu, bảy tuổi. Gánh nước, bổ củi hay thắp đèn, mài mực, nó đều làm được hết cả.

Thấm thoắt cũng hơn chục năm rồi.

"Ngẩn ngơ cái gì ở ngoài sân đấy? Vào đây u xem nào!"

"..."

"Lại vải à? Ngày gì mà tự dưng lại mua vải nữa?"

"... Rằm tháng Giêng."

"Cha bố nhà anh! Giữa tháng mười một mà anh mua đến tận tháng Giêng. Hay là lại thích cô nào ở hàng vải rồi nên mới mua nhiều thế phải không?"

Lý Minh Huỳnh trăm miệng khó cãi, cuối cùng cũng chỉ biết bảo thằng Vừng mang mấy tấm vải cất đi, sau đó ngồi bóp vai cho u.

Những gì Mân Tích lo, hắn cũng lo chẳng kém gì. Đúng là hắn không quan tâm người đời chỉ trỏ, chỉ là bậc phụ mẫu nghĩ như thế nào thì lại là chuyện khác.

Thầy u vẫn có thiện cảm với Mân Tích từ thuở hai đứa còn đi học chung thầy ở dưới huyện. Năm ấy sau khi hắn nhận được suất dự thi Đình, u còn hỏi thăm em Tích thi cử thế nào rồi lại nhận về tin chẳng lành. U giấu hắn mãi, không cho hắn về nhà, còn gửi thư cho Lý Tương Hách nhờ cậy y đốc thúc hắn dùi mài kinh sử. Nhưng hắn cũng đâu phải người ngốc, danh sách người đỗ kỳ thi Hội không có tên em, hắn đã đọc đi đọc lại cả chục lần để tìm một cái tên quen thuộc. Tiếc là, vẫn không thấy.

Hắn gửi rất nhiều thư từ nhưng chẳng nhận được hồi âm, trong lòng lo lắng đến quên ăn quên ngủ. Thiếu niên tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, tất nhiên chẳng chịu thua, thúc ngựa cả ngày về tìm em. Nhưng hắn không gặp được. Nhà họ Lương cũng đã chuyển về quê cũ làm nông, không ở đấy nữa.

Lý Minh Huỳnh tìm đến thầy đồ xưa, hỏi thăm tin tức của em, ngoài ý muốn lại nhận về một lá thư hồi âm. Thực ra, đó cũng không hẳn là thư hồi âm, chỉ là em đề thêm vài câu chữ vào trong thư của hắn, lá thư đầu tiên hắn gửi cho em từ sau khi lên kinh. Lúc ấy cứ ngậm bút nghĩ mãi chẳng biết viết gì, dù cho trong lòng có cả ngàn câu chuyện muốn kể em nghe. Cuối cùng hắn đã quyết định viết hai câu ca dao dò hỏi tâm ý của em nơi quê nhà:

"Bao giờ cho gạo bén sàng,

Cho trăng bén gió, cho chàng bén ta?"

Từ lá thư đầu tiên đến lá thư cuối cùng sau khi hắn hay tin em thi trượt, em đều không đáp lại lần nào. Hắn cứ tưởng em sẽ vò nát mấy tờ giấy rồi bỏ xó một góc, hóa ra em cũng rất để tâm đến hắn.

Chỉ là nét chữ nắn nót phía dưới trái ngược hoàn toàn với sự thư thái của hắn khi viết chữ. Với em, việc đi học đã là đặt cược rất nhiều thứ, từ tiền bạc lẫn thời gian của thầy u. Nhưng với hắn, đó chỉ là sự lựa chọn. Vậy nên em vốn rất nghiêm túc, nắng mưa cũng không bỏ buổi nào, đến lớp khi bình minh chưa lên, ở nhà học đến tận lúc hoàng hôn xuống.

Lý Minh Huỳnh bất giác cười khổ. Không lẽ hắn với em thật sự có duyên nhưng không có phận hay sao?

Hắn còn tưởng tượng rõ được hình ảnh em ngồi ở nơi này viết lời đáp cho lá thư hắn gửi tới. Lúc ấy, có lẽ là một lời trêu đùa của tuổi mười bảy, nhưng tuổi hai mươi ba đọc lại thì chỉ thấy ông trời trêu ngươi.

"Bao giờ cho chuối có cành,

Cho sung có nụ, cho hành có hoa,

Bao giờ trạch đẻ ngọn đa,

Sáo đẻ dưới nước thì ta bén chàng."

***

"U ơi, nếu như đời này con không thể dẫn về cho u một tiểu thơ nào đó thì sao? Nhà họ Lý sẽ không có dâu hiền, cũng chẳng có vợ thảo."

"..."

Bà Lý nghe xong cậu quý tử ngỏ lời, tay cầm chén trà cũng khựng lại. Bà cũng đã sống qua nửa đời người, làm sao có thể không hiểu lời này của Minh Huỳnh là ý gì. Tuổi mười chín, hai mươi, con nhà người ta đã nườm nượp lấy vợ, đến giờ con cái cũng đã biết nói, biết cười. Cũng có vài người đến làm mai, hỏi rằng cậu Huỳnh nhà bà có ý với nàng nào hay chưa, bà cũng chỉ nói khéo mà bảo họ đi về. Bà cũng biết, Lý Minh Huỳnh vẫn muốn đi tìm người bạn học năm xưa, chỉ là không ngờ giữa hai đứa nhỏ lại là như thế này. Bây giờ, Minh Huỳnh đã hai mươi ba, đến tuổi cưới gả mà mãi không ưng ý ai. Hóa ra không phải là không ưng ý ai, mà là ưng ý người không nên ưng ý.

"Thưa u, con tự biết bản thân không thể làm tròn đạo hiếu. Nhưng lấy con gái nhà người ta mà không thể vẹn toàn tình nghĩa thì cũng là không hoàn thành trách nhiệm làm chồng, làm cha. Minh Huỳnh đời này có lỗi với thầy u, với ông bà tổ tiên nhà họ Lý nhưng tuyệt nhiên không phải cố ý làm bừa."

Lý Minh Huỳnh thấy u hắn không đáp, biết bà tức giận, đành quỳ xuống mà nói hết ra lời trong lòng mình. Xưa nay bà Lý vốn thấu tình đạt lý, nhưng lửa rơi đến nhà mình thì mới biết đau biết xót. Bà đặt chén trà xuống, cũng đưa mắt nhìn đứa con đang quỳ trước nhà. Người quỳ nhưng vẫn ngẩng cao đầu, không vì chuyện này mà hổ thẹn.

"Con có biết ý nghĩa lớn nhất của việc sinh con không?" Bà Lý cất giọng hỏi.

"Là nối dõi tông đường."

"Không phải. Sinh con nối dõi, cũng chỉ là lời nói phù phiếm của mấy kẻ trọng nam khinh nữ ngoài kia. Còn đối với những cặp vợ chồng cưới nhau về, trọng tình trọng nghĩa đến đâu cũng sẽ có ngày cãi vã. Lúc ấy, đứa con sẽ là phần hàn gắn."

"..."

"Người ta gọi con là quý tử nhà họ Lý. Nhưng với thầy u, con vẫn luôn là Minh Huỳnh bé bỏng ngày nào. Con cái là của trời ban, trai gái đều quý. Nhưng nếu không có con, sau này cãi vã chẳng có gì níu kéo nhau lại, u sợ con sẽ hối hận."

Trước đây, Minh Huỳnh chỉ biết u hắn là một phu nhân nhà quan, chăm sóc cho thầy hắn và hắn rất tận tình, đối xử với khách khứa tới thăm cũng rất thấu đáo. Còn bây giờ, hắn mới hiểu bốn chữ thấu tình đạt lý miêu tả bà Lý chính xác đến thế nào.

"Ý của u cũng là ý của thầy. Sau này hai đứa có đến với nhau, không quên gốc gác thì thầy u sẽ chấp nhận. Nếu sau này con qua tuổi tứ tuần, nhìn những nhà khác con cháu đầy đàn, mà nhà mình lại hiu quạnh, mong rằng con nhớ mọi chuyện đều là lựa chọn của con."

Bà Lý về phòng, không nói tiếp nữa. Lý Minh Huỳnh cũng là người đọc sách, lời bà nói nó sẽ tự hiểu ra. Sáng sớm hôm sau, khi bà tỉnh giấc, Minh Huỳnh đã về lại kinh đô rồi. Nghe nói hắn đã quỳ ở trước bàn thờ tiên tổ suốt năm canh rồi mới rời đi.

Dáng vẻ này cũng có vài phần giống với ông Lý ngày đó đến nhà bà hỏi cưới. Cậu thư sinh nghèo trong tay chẳng có gì nhưng dám quỳ trước thầy của bà mà thề rằng sẽ thi đậu công danh, cho bà một đời sung túc.

"Con giống cha, âu cũng là nhà có phúc."

Không ai dám hứa trước tương lai sau này, nhưng sự kiên định của hiện tại là lý do cho sự tin tưởng để gửi gắm cả một đời.

***

Liễu Mân Tích không hiểu, ngỡ rằng hai hôm trước đã nói rõ ràng hết rồi. Vậy mà ngừng được mấy bữa, Lý Minh Huỳnh lại ngày ngày chạy đến cửa tiệm vải. Người nào không biết còn tưởng Quốc Tử Giám đã chuyển đến Hàng Lụa rồi cơ đấy.

"Hết vải rồi! Không bán nữa đâu!"

"Thầy Lý lấy gì bọn em bán cho. Chứ cậu chủ nhà em bán cho thầy toàn lỗ thôi."

"Tụi bây im hết đi."

Lý Minh Huỳnh che miệng cười. Mấy khi thầy Lý được nhìn thấy em Tích thẹn quá hóa giận như thế này. Mọi bữa đều là một vẻ mặt lạnh tanh, không phải tính tiền thì cũng là đuổi người, chẳng thấy niềm nở bao giờ.

"Tiệm vải của cậu chủ Liễu hết vải à?"

"Ừ. Hết rồi."

"Thế tôi mang giấy bút đến học cậu Liễu tính toán một chút, về còn quản lý vài chuyện vặt trong nhà."

Có lẽ Liễu Mân Tích nghĩ nhiều rồi. Thầy Lý thật sự đến đây học tính toán và quản lý sổ sách. Lý Minh Huỳnh trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, học vị tiến sĩ, bây giờ cũng đã trở thành thầy của người ta. Vậy mà tính mãi có mấy trang giấy cũng mất nửa ngày trời.

"Hay cứ mua vải đi? Đừng học nữa!"

"Không phải tại tôi. Em nhìn xem, tại sao một thước vải 10 đồng, mà người ta mua ba thước lại chỉ còn có 8 đồng rưỡi một thước? Thế này là con Muối nó ăn gian tiền của em à?"

"Thầy Lý của tôi ơi, đấy gọi là buôn bán đấy!"

Lý Minh Huỳnh đọc qua sách sử sách thơ, hiểu được ẩn ý của mấy vị thi nhân, thế nhưng ra đời thì ngốc toẹt chẳng biết gì. Thế này mà thả ra ngoài đi chợ bị người ta dụ dỗ mua đắt gấp đôi ba lần cũng vui vẻ mà trả tiền, khéo thầy còn hào phóng cho thêm tiền boa.

Liễu Mân Tích khoanh vào mấy con số trong sổ, bắt đầu nói lại cho thầy Lý phải tính từ đâu, tính như thế nào, lãi lỗ ra làm sao. Nhưng thầy chẳng nghe lọt tai câu nào, chỉ để ý cây bút lông em cầm trên tay, nhanh thoanh thoắt đã lướt hết hai trang giấy.

"Bút lông... u tôi mua. Em Tích vẫn còn giữ à?"

Sáu năm rồi.

Bút lông còn đó, vậy chân tình của em còn không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com