Chào các bạn! Truyen4U chính thức đã quay trở lại rồi đây!^^. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền Truyen4U.Com này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 10. Thiếu niên lang

Dạo trước hội săn, Thiên tử có truyền vài bữa tiệc nhà với hai thân vương, có hôm nói về chuyện con cháu thì ngài chợt nhớ đến hai đứa con trai của Văn Tuyên vương đã mấy năm không gặp, thế là cũng mượn cớ chuyện vui của Thái tử mà truyền Lưu Cơ, Lưu Lăng về đế kinh.

Mặc dù Văn Tuyên vương Lưu Anh có tiếng là người tao nhã khách văn chương nhưng Thế tử Lưu Cơ và đích thứ nam Lưu Lăng lại trái ngược với cha mình. Người anh thì văn thao võ lược, cậu em thì thích múa võ cầm thương – nghe đâu là do vương phi Bạch thị lo lắng con cái học tập theo cha rồi thành một đám mọt sách miệng ngậm đầy chữ mà dở ra là đau bệnh nên mới bắt hai con luyện võ cho khỏe người, đồng thời đọc thêm binh thư để khôn lanh ra.

Hồi đó Dụ Đế nghe biết chuyện này, liền chỉ vào mũi Lưu Anh mà cười một trận vui vẻ, bảo: "May mà trẫm chọn cho khanh một người vợ đảm! Không thì bây giờ trẫm phải nghe đến tận ba Văn Tuyên vương lải nhải bên tai!"

Thế tử Lưu Cơ năm nay mười sáu, Lưu Lăng mười bốn, cả hai đều là thiếu niên tài tuấn, áo gấm ngựa vâm. Đoàn người vừa qua cửa đã nhanh chóng thu hút một đám dân bâu lại nhìn ngó, loáng thoáng có tiếng reo khẽ của cô nương nào đó.

Lưu Lăng che tay ngang mày ngắm nghía xung quanh: "Đệ không đi kinh thành nhiều nên chẳng nhớ gì cả, không biết ở đây có trò chơi gì hay ho hơn ở Nghi Châu không?"

Từ lúc vào thành Lưu Cơ vẫn luôn nhìn thẳng về phía trước, đáp: "Kinh thành không phải Nghi Châu, mọi ngôn hành cử chỉ ở dưới mắt Thiên tử đều phải thận trọng. Đệ đã nhớ hết các quy tắc trong cung chưa?"

"Trời ơi, huynh nhắc suốt cả đường rồi đấy! Học kỹ lắm rồi, nếu quên thì đệ cũng chịu thôi!"

Hai vị hoàng tôn vừa vào cung đã được hoạn quan ngự tiền chào đón, vời đến điện Cần Chính bái kiến Thiên tử. Dụ Đế thấy hai đứa cháu khôi ngô lanh lợi thì cũng lấy làm vui mừng ban thưởng quà cáp, trong đó Lưu Cơ được một cây roi da, Lưu Lăng được hai miếng bảo vệ tay bằng bạc. Bệ hạ còn hỏi thăm tình hình một hồi, sau đó nói hai anh em đến Hàn Lâm viện hành lễ với Văn Tuyên vương.

Lưu Anh biết hai con tới nên đã cho người dọn dẹp, sửa soạn sẵn một gian phòng nhỏ để trò chuyện. Y nhìn từng đứa một từ trên xuống dưới, gật đầu rồi hỏi: "Mọi việc trong phủ thế nào? Mẫu thân các con vẫn khỏe chứ?"

Lưu Cơ đáp: "Mọi việc vẫn bình thường ạ. Mẫu thân biết phụ vương đang giúp viện Hàn Lâm biên soạn đồ thư (tranh và sách) nên dặn người chú ý việc ăn uống, giữ gìn sức khỏe, nhớ phải tập dưỡng sinh đều đều, đừng có mải mê xem sách dưới nến kẻo hư mắt."

"Đúng là giọng điệu của Yểu Nương." Lưu Anh không nén được tiếng cười, đoạn dặn dò: "Ở đây không giống Nghi Châu, hai đứa phải luôn cẩn thận ngôn hành lễ nghĩa, bây giờ lớn cả rồi, không còn như hai năm trước cứ thích thì chạy lăng xăng khắp nơi; dù gặp bệ hạ hay là Thái tử, Yên vương thì đều phải hành lễ đúng mực. Chốc nữa ta sẽ phái vài lễ quan về phủ để chỉ dạy lần nữa cho các con với mấy đứa đầy tớ."

Cơ và Lăng đều gật đầu vâng dạ.                                               

Gặp cha xong thì hai anh em dời bước đi tiếp đến Đông cung hành lễ, song không gặp được Thái tử. Hành Chi phục mệnh trao cho Thế tử Cơ cuộn tranh ý thu và Lưu Lăng một chiếc đai da giắt kiếm đính ba viên hồng ngọc. Lưu Cơ vừa xem tranh liền giật mình: "Tài quá! Thái tử điện hạ làm sao mà biết khung cảnh trên thuyền lúc chúng ta đến đây?"

Hành Chi nhún gối mỉm cười: "Bẩm Thế tử, Thái tử điện hạ nhớ mong hoàng tôn nên mới vẽ ra một bức 'Lá phong đuổi thuyền' này để mong các ngài đến nhanh hơn. Nhưng hôm nay bên Nội các công việc bề bộn nên điện hạ chưa thể gặp các ngài được. Điện hạ có truyền cho nô tì hẹn các ngài hôm khác nếu rảnh thì cùng đi săn."

"Chuyển lời với Thái tử là chúng ta đồng ý." Lưu Cơ xúc động đáp: "Chỉ cần có lệnh của điện hạ là chúng ta sẽ tới ngay."

Hành Chi gật đầu đáp ứng rồi cho một hoạn quan dẫn đường tiễn hai vị hoàng tôn xuất cung.

Bấy giờ Lưu Lăng mới vươn vai một cái, bẻ cổ thở hắt ra: "Được tự do rồi! Nãy giờ đệ phải giữ thẳng đầu đến mức cứng cả khớp. Giờ mình đi gặp Tam hoàng thúc (chú) phải không đại ca?"

Lưu Cơ đập lưng nó một cái, rít qua kẽ răng: "Vừa mới ra khỏi cổng cung thôi đấy. Đi, đi mau."

Đến con đường phía trước phủ Yên vương, hai người chạm trán với Thế tử Minh đang dắt ngựa đi ra ngoài cùng một đứa đầy tớ. Lưu Lăng bằng tuổi với Lưu Minh, chỉ nhỏ hơn hai tháng, liền cất tiếng gọi. Minh leo lên ngựa, dửng dưng bước đến trước mặt anh em bọn họ, chào cộc lốc: "Đường huynh đến à? Cha ở nhà đấy."

Lưu Lăng rất ngạc nhiên với thái độ của nó. Lưu Cơ không vui nhưng vẫn thân thiện đáp: "Ta với Lăng Nhi lâu rồi mới lên kinh, còn chưa nhớ ra các đường các nẻo; chúng ta đến bái phỏng Yên vương xong còn tính rủ đệ đi đây đi đó, vậy mà đệ đang bận chuyện gì sao?"

Lưu Minh tướng tá gầy gò, chiếc áo gấm xanh khoác trên mình cứ như một thước vải chưa cắt may xong. Tuy là người có gia giáo biết lễ nghĩa nhưng nó được vây trong nhung lụa từ bé đến lớn nên đâm ra ánh mắt cử chỉ luôn có phần ngạo mạn. Nghe nói vậy, nó nhìn chòng chọc vào Lưu Cơ một hồi cứ như không hiểu vì sao cái người này lại muốn mời mình đi chơi, làm Lưu Cơ cũng râm ran khó chịu. Rốt cuộc, Minh nói: "Ờ, mấy hôm nay ta bận. Các huynh tìm người khác chơi đi."

Nghe vậy, suýt thì Lưu Lăng không nhịn được mà mắng nó. Lưu Cơ đè bả vai em lại, gật đầu: "Tiếc quá, vậy hôm nào đệ rảnh thì chúng ta tụ họp sau."

Lưu Minh đáp chiếu lệ rồi cưỡi ngựa bỏ đi. Hai anh em Lưu Cơ tiến vào vương phủ, hành lễ với Yên vương và vương phi Trương thị ở chính đường.

Trương thị là nàng dâu mà Tuyên phi trăm tuyển ngàn chọn cho Yên vương. Hồi mới thành hôn, vợ chồng họ đối đãi nhau cầm sắt hài hòa. Về sau Lưu Trang thường xuyên chinh chiến, Trương thị nhớ mong thành bệnh, đâm ra lúc trở dạ thì bị khó sinh. Kể từ đó, cơ thể thị yếu hẳn. Phần vì ngóng chồng, phần vì thương con nên thị vô tình nuông chiều Lưu Minh đến mức khó bảo.

Lúc Yên vương mới về, biết Thế tử qua lại với đám bạn xấu mà dính vào mấy trò điếu mã (thuốc hút) thì giận không kìm nổi, lớn tiếng trách phạt một trận rồi cấm túc Lưu Minh tận mấy tháng liền. Khi ấy, Trương thị chỉ biết lấy nước mắt rửa mặt, vừa cầu xin chồng vừa năn nỉ con, lâm bệnh mấy lần, dạo gần đây mới dần dần bình phục.

Thị vẫn còn xanh lắm, tay chân mảnh mai như nhành liễu có thể bị gió quật gãy, gọi Lưu Cơ, Lưu Lăng lại gần để nhìn kỹ, sau đó xúc động khen ngợi Văn Tuyên vương phi thật khéo nuôi con, thưởng cho hai anh em mấy món giày vớ rồi đành cáo lui về phòng nghỉ.

Dù vợ con của Yên vương có nhiều điều chưa phải nhưng Lưu Lăng vẫn rất thích người chú này. Lưu Lăng thấy Lưu Trang chưa ban thưởng gì, liền cà lơ phất phơ nói: "Hay để cháu gợi ý cho Tam hoàng thúc mấy món mà cháu thích nhé? Nghe nói ở Diễn Võ trường của thúc có nhiều món binh khí lạ lắm, thúc chỉ cần cho phép là bọn cháu sẽ tới đó tự chọn để thúc đỡ phải suy nghĩ."

Lưu Trang bật cười: "Thằng nhãi này chỉ thích múa may binh khí thôi! Ta nghe nói ở nhà ngươi đã sưu tầm mấy chục món rồi. Tặng nữa thì Yểu Nương sẽ oán trách ta mất. Bây giờ ta đưa mấy cuốn binh thư cho ngươi học khôn lên còn hơn!"

Lưu Cơ mỉm cười đáp: "Tam hoàng thúc cứ từ từ đưa tặng lễ, hai đứa chúng cháu còn ở kinh thành nhiều ngày. Cháu cũng muốn kiếm cơ hội để đi đây đi đó với Thế tử Minh nữa."

Nghe cậu nhắc đến con mình, nụ cười của Yên vương nhạt bớt. Hắn gật đầu nói: "Lâu nay Lưu Minh ở kinh thành không có anh em bầu bạn, mẫu thân thì ốm yếu không thể lo lắng cho nó nhiều. Có hai đứa ở đây chịu kèm cặp nó thì ta cũng yên lòng."

Lưu Cơ vội chắp tay: "Thúc tin tưởng chúng cháu quá rồi. Đều là người nhà, giúp đỡ lẫn nhau là điều đương nhiên."

Sau cùng thì Yên vương thực sự tặng cho anh em Lưu Cơ mấy cuốn binh thư, một tấm địa đồ săm trên da thú và một bàn cờ vây bằng ngọc. Tuy mấy món này không quá quý giá nhưng đều phù hợp với sở thích của hai người. Lưu Lăng cứ thở dài tiếc nuối vì không được vào Diễn Võ trường ngắm các loại binh khí của Tam thúc.

Mỗi thân vương dù được ban thái ấp* hay không thì đều có một phủ tại kinh thành. Thăm hỏi xong, Thế tử Cơ và em trai liền về vương phủ để sắp xếp đồ đạc và nghỉ ngơi. Văn Tuyên vương trở về lúc trời nhá nhem tối, mời đến một lễ quan để rèn lại đám người hầu tới từ Nghi Châu.

* Phần đất được vua ban cấp cho và cắt đặt dưới sự quản lý của quý tộc phong kiến, quan lại hoặc công thần.

Lưu Anh cho bọn đầy tớ đi học lễ nghi hết rồi gọi hai anh em lại bên mình.

Lưu Cơ và Lưu Lăng nhìn phụ vương. Y hỏi: "Hai đứa có biết lý do bệ hạ truyền hai đứa lên kinh thành không?"

Cả hai không trả lời được. Lưu Anh nghiêm túc nói tiếp: "Lễ thức triều ta làm việc gì cũng đều đi từ lớn đến nhỏ. Mùa xuân năm sau Thái tử thành hôn, mà hai con cũng đến tuổi làm mai rồi. Lăng Nhi thì còn thư nhàn, Thế tử Minh phải thành thân trước rồi mới tới con. Vì vậy, người mà bệ hạ đang nhìn vào ở đây chính là con, Lưu Cơ."

Lưu Lăng nghe vậy còn ngây thơ định hoan hô một tiếng nhưng chợt thấy sắc mặt Đại ca không tốt, nó ngậm miệng ngay. Lưu Cơ nhíu mày ngập ngừng hỏi: "Nếu vậy thì sau khi Thái tử thành hôn, phụ vương không thể không về Nghi Châu, chẳng lẽ con... phải ở lại đây?"

Người phiền muộn gật đầu: "Tám, chín phần mười là bệ hạ sẽ vịn cớ tìm một mối hôn phối để giữ con lại."

"Đại ca phải ở lại đây một mình sao?" Bấy giờ Lưu Lăng mới hiểu, liền la lên: "Không được! Phụ vương, nếu đại ca ở lại thì con cũng ở lại!"

"Im miệng!" Lưu Anh nạt nó. Nó uất ức nhìn người, dám nói tiếp: "Con không phục! Dựa vào đâu mà đại ca phải ở lại kinh thành chứ? Ban hôn thì ban hôn thôi! Phụ vương không dám nói thì con đi cầu xin bệ hạ! Đại ca là Thế tử của phụ vương! Nhà của chúng ta là Nghi Châu cơ mà!"

Chợt nghe một tiếng chát chúa. Đầu óc Lưu Lăng trống rỗng, bên má dấy lên cảm giác nóng rát. Nó chưa thể tin nổi nhìn bàn tay còn chưa hạ xuống của Đại ca mình. Lưu Cơ đè giọng gằn từng chữ: "Cẩn thận ngôn từ của đệ. Đệ có biết câu vừa rồi nếu lọt vào tai người khác thì phụ vương và mẫu thân sẽ gặp rắc rối lớn đến thế nào không? Ta biết đệ xem Nghi Châu là nhà nhưng đã đặt chân đến đế kinh thì luôn luôn phải nhớ rõ một điều: đất trong thiên hạ này muôn nơi đều là nhà của Thiên gia!"

Lưu Lăng không nói nên lời, hốc mắt dần ẩm ướt. Văn Tuyên vương gọi nó. Nó nhìn cha, người nói: "Con không thể ở lại kinh thành được. Ta chỉ có hai đứa con trai duy nhất. Đại ca không ở nhà thì con chính là trụ cột tinh thần của mẫu thân con và người dân Nghi Châu. Ta và Yểu Nương sẽ cố gắng tìm cho con một mối hôn phối tại Nghi Châu. Vả lại, bệ hạ sẽ không giữ mãi Đại ca con bên mình, cùng lắm là sau khi Cơ Nhi thành thân thì người sẽ sách phong con làm Quận vương và ban thái ấp. Lúc đó, con muốn làm gì cũng dễ dàng hơn."

Lưu Lăng cắn môi đáp lại: "Nhưng chờ đến khi ấy là mất bao lâu? Trước khi đến đây mẫu thân cũng nói với con là kinh thành lắm mưu ma nhiều quỷ kế, nói chuyện làm việc đều phải cẩn thận trước sau. Đại ca không thân quen nơi này, làm sao cô độc chống đỡ nổi?"

Lưu Cơ im lặng, móng tay bấm vào lòng bàn tay đến mất cảm giác. Văn Tuyên vương lần lượt nhìn từng người con, nhắm mắt thở dài, sau đó đột nhiên hỏi: "Hôm nay các tặng lễ hai con nhận được là gì?"

Thế tử Cơ trả lời rành mạch từng thứ. Lưu Anh lắng nghe rồi gật đầu nói: "Đông cung tầm mắt nhìn xa, Yên vương chiến công hiển hách, hai vị này đều là người có thể nương tựa. Tuy nhiên, ngoại thích* chuyên quyền dễ làm mất lòng Thiên tử thì không nên theo. Thái tử đã có ý với con thì con hãy thử đáp lại."

* Nhà ngoại của hoàng tộc, thường là họ hàng của hoàng hậu và các tần ngự.

Sau đó, ba cha con bọn họ cũng tan. Lưu Lăng ngồi cạnh Lưu Cơ, vắt óc tìm lời gì đó để an ủi đại ca. Nhưng trước khi nó kịp nghĩ ra thì Lưu Cơ đã than thở: "Hồi chiều Thái tử tặng ta một bức tranh, cho đến lúc nãy ta vẫn chưa hiểu ý nghĩa của nó. Bây giờ mới biết thì ra bức tranh của Thái tử đã truyền đạt hết ý của câu: Khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ; con thuyền buộc chặt mối tình nhà*..."

* Đây là hai câu tiếp theo của bài "Thu hứng kỳ 01" – Đỗ Phủ đã chú thích ở chương trước. Bài thơ được sáng tác trong khi tác giả lưu lạc tha hương trước khi mất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Com